Lý do chủ đầu tư vẫn “ngại” sử dụng vật liệu xanh

Để các chủ đầu tư chấp nhận đưa vật liệu xây dựng xanh vào các công trình của mình, ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Phó chủ nhiệm CLB Kiến trúc xanh TP.HCM cho

Ít dự án xanh tại Việt Nam

Sự khác biệt giữa dự án xanh sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện môi trường với dự án không sử dụng loại vật liệu này là tuổi thọ công trình. Những dự án sử dụng vật liệu xanh thường có thời gian sử dụng lâu hơn. Dù vậy, hiện nay vẫn rất ít chủ đầu tư xây dựng dự án sử dụng các loại vật liệu này.

Theo thống kê mới nhất của Hội đồng công trình xanh Mỹ, trên thế giới hiện có hơn 100.000 công trình đang được thực hiện theo tiêu chuẩn LEED của Mỹ, trong số đó có khoảng 44.000 công trình nằm trên đất nước Mỹ, và số 60.000 công trình còn lại phân bố ở các nước khác. Trong số này, nếu như Trung Quốc chiếm hơn 1.000 công trình thì Việt Nam chỉ có khoảng trên dưới 100.

Việt Nam, Malaysia thành lập Hội đồng công trình xanh vào năm 2007. Trong khi đó Singapore, Thái Lan năm 2009. Tuy nhiên, số lượng dự án xanh tại Việt Nam tính cả công trình đã hoàn thành và đăng kí thực hiện đều bị Malaysia, Thái Lan vượt rất nhiều. Campuchia mặc dù chưa thành lập Hội đồng công trình xanh nhưng trong 11 công trình đạt tiêu chuẩn LEED của nước này thì thành phố Phnom Penh đã vượt số lượng của TP.HCM.

Theo nhiều ý kiến chuyên gia trong ngành, số lượng công trình xanh tại Việt Nam còn hạn chế chủ yếu do Nhà nước chưa có sự hỗ trợ rõ ràng, một số rào cản về năng lực của đội ngũ thiết kế thi công cũng như chủ đầu tư và người mua nhà còn e ngại.

Lo tăng thêm chi phí

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Lê Thị Hồng Na, đội ngũ thiết kế của Việt Nam hiện chưa được đào tạo bài bản do công trình xanh mới xuất hiện trong khoảng 10 năm gần đây. Chúng ta còn ít có cơ hội tiếp cận, làm việc tại các công trình xanh thực tế do đó đang phải vừa học vừa làm vừa tự trau dồi kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, lo ngại chi phí sẽ tăng cao khi sử dụng các loại vật liệu xây dựng như sơn, gạch không nung, cát nhân tạo… xanh thân thiện môi trường cũng là rào cản rất lớn. Trên thực tế, có 3 nhóm chi phí tác động chính khi xây dựng dự án xanh là chi phí tư vấn, chi phí chứng nhận và chi phí tăng thêm trong quá trình xây dựng như vật liệu xây dựng.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hải, Giám đốc Marketing sơn trang trí Công ty AkzoNobel Việt Nam cho rằng, không thể phủ nhận chi phí vật liệu xanh vẫn còn là một trong những rào cản lớn khiến các chủ đầu tư còn hạn chế sử dụng. Tuy nhiên, đây chỉ là rào cản về mặt tâm lý. Trên thực tế, ở những công trình có sử dụng vật liệu xây dựng xanh, chi phí chỉ tăng thêm khoảng 2%.

Theo ông Hải, không phải chỉ những dự án phân khúc cao cấp hay chủ đầu tư thực sự mạnh về tài chính mới có thể làm dự án có sử dụng vật liệu xanh. Phần lớn những công trình xanh đã xây dựng hiện nay thuộc về những chủ đầu tư có nhận thức đúng đắn về lợi ích mà công trình xanh mang lại cho họ.

Khó tăng đột biến

Để các chủ đầu tư chấp nhận đưa vật liệu xây dựng xanh vào các công trình của mình, ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Phó chủ nhiệm CLB Kiến trúc xanh TP.HCM cho rằng, các chủ đầu tư nên làm các dự án thí điểm. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan như các đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng cùng hợp tác. Từ đó để rút ra những thuận lợi cũng như kho khăn để mạnh dạn thực hiện những dự án tiếp theo.

Bên cạnh đó, cần phẩn bổ lại nguồn lực. Thay vì dồn toàn bộ hoặc quá nhiều ngân sách cho xử lý các vấn đề môi trường thì có thể trích một phần ngân sách để phát triển các công trình xanh. Khi có nhiều công trình xanh sẽ góp phần giảm năng lượng tiêu thụ, rác thải từ nguồn.

Theo ông Quang, trong thời gian vừa qua, khối nhà đầu tư ngoại đã kiên trì phát triển các dự án công trình xanh. Còn các nhà đầu tư ở khối đầu tư tư nhân cũng đã nhận ra những lợi ích của việc xây dựng loại dự án này. Sắp tới sẽ có một làn sóng cạnh tranh nhất định trên thị trường đến từ lĩnh vực tư nhân. Tuy nhiên, chi phí giá cả là rào cản bởi suy nghĩ về lợi ích chưa được thông suốt. Chỉ khi nào điều này được cởi bỏ thì công trình xanh tại Việt Nam mới có cơ hội để cất cánh.

Trong tương lai gần, số lượng công trình xanh tại Việt Nam vẫn phát triển với tốc độ tương đối chậm như hiện nay, cho đến khi nào Chính phủ có những chính sách nhất quán, cụ thể để hỗ trợ thì số lượng công trình xanh mới có sự phát triển đột phá.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *